Gặp gỡ “Bà Tây” 20 năm chữa bệnh và sáng tạo phục hồi chức năng cho người Việt

Mỗi sáng, hình ảnh “bà Tây” Virginia Mary Lockett (SN 1953, tình nguyện viên, chuyên gia vật lý trị liệu và phục hồi chức năng, người Mỹ) đi xe máy đến Bệnh viện Y học Cổ truyền Đà Nẵng đã trở nên quá quen thuộc không chỉ với các y bác sĩ, mà còn với cả những bệnh nhân đang điều trị tại đây.
Những đóng góp thầm lặng của bà đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều người và là niềm hy vọng cho hàng nghìn bệnh nhân bị chấn thương cần phục hồi chức năng.
Nhân duyên giữa bà Lockett và Việt Nam bắt đầu từ năm 1995, khi bà cùng chồng sang Việt Nam nhận hai đứa con nuôi ở Nha Trang.
Trong quá trình làm thủ tục, bà được nhờ giúp đỡ một người đàn ông bị xe tải tông gãy xương đùi và bị tai biến không thể đi lại. Hình ảnh người cha bật khóc vì bệnh tật và đứa con trai khóc theo đã in sâu trong tâm trí bà suốt 10 năm sau đó.
Đến năm 2005, bà Lockett tìm kiếm cơ hội làm thiện nguyện và được Tổ chức Tình nguyện y tế hải ngoại (HVO) giới thiệu đến Trung tâm chấn thương chỉnh hình Đà Nẵng. Sau 3 tuần làm việc, bà nhận ra, kinh nghiệm các chuyên gia để lại thường không được ứng dụng nhiều sau khi họ rời đi. Chính vì vậy, bà nảy ra ý tưởng ở lại Việt Nam lâu dài.
Đại sứ đã khuyên bà nên tìm một tổ chức để làm tình nguyện viên, nhưng không tìm thấy tổ chức nào phù hợp, bà quyết định cùng chồng thành lập tổ chức Steady Footsteps (Bước đi vững vàng).
Quyết định táo bạo nhất của bà là bán nhà ở Mỹ để có tiền sống và trang trải chi phí cho công việc thiện nguyện tại Việt Nam.
Trong 20 năm gắn bó với công việc thiện nguyện tại Đà Nẵng, bà Lockett đã điều trị cho hàng nghìn bệnh nhân với những hoàn cảnh và tình trạng bệnh khác nhau. Mặc dù phải đối mặt với rào cản ngôn ngữ, bà vẫn phát triển cách riêng để giao tiếp và cảm nhận nỗi đau của bệnh nhân.
Bà Lockett không chỉ tập trung vào việc điều trị, mà còn trăn trở về cách giúp bệnh nhân tái hòa nhập với cuộc sống. Bà đã sáng tạo ra một phòng phục hồi chức năng đặc biệt tại Bệnh viện Y học Cổ truyền Đà Nẵng, được thiết kế giống như môi trường sống thực tế của người Việt.
Ở đây, bệnh nhân có thể thực hành các công việc hàng ngày như mặc quần áo, vệ sinh cá nhân, nấu nướng, quét nhà, rửa bát, những bước đệm quan trọng để họ có thể quay trở lại cuộc sống bình thường.
Ngoài công việc chuyên môn, bà Lockett còn dành thời gian sau giờ làm việc để may đai an toàn cho bệnh nhân, giúp họ tránh bị té ngã trong quá trình điều trị.
Sự cống hiến thầm lặng của bà đã được ghi nhận bằng một bức tượng đồng do chính đội ngũ y, bác sĩ trong bệnh viện dựng lên vào Ngày Thầy thuốc Việt Nam năm 2021.
Ở tuổi 72, bà Lockett có ba điều ước: có đủ sức khỏe để tiếp tục công việc, được tiếp tục làm công việc hiện tại, và được sống ở Việt Nam lâu dài cho đến cuối đời. Tuy nhiên, bà cũng bày tỏ lo ngại về vấn đề visa và tạm trú khi bà không còn đủ sức khỏe để làm việc thiện nguyện nữa.
Huân chương Hữu nghị mà bà Virginia Mary Lockett nhận được không chỉ là sự ghi nhận công lao của cá nhân bà, mà còn là minh chứng cho tình hữu nghị giữa các dân tộc, khi tình yêu thương và lòng nhân ái không bị ngăn cách bởi biên giới, ngôn ngữ hay văn hóa.
Nguồn: Báo Pháp Luật

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*